HỘI THẢO KHOA HỌC “HÀNH CUNG VŨ LÂM THỜI TRẦN – VAI TRÒ LỊCH SỬ VÀ ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ”
HỘI THẢO KHOA HỌC “HÀNH CUNG VŨ LÂM THỜI TRẦN – VAI TRÒ LỊCH SỬ VÀ ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ”
Ngày 27/02/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị”.
Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Ninh Bình có sự tham dự của ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ TW, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có HT. Thích Thanh Đạt, Uỷ viên Thường trực HĐTS, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; TT. Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng I TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN tham dự Hội thảo; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Viện Trần Nhân Tông; GS. Lê Mạnh Thát, Thành viên Hội đồng KH&ĐT Viện Trần Nhân Tông, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật
Hội thảo còn có sự tham gia của Đại diện Lãnh đạo Vụ nghiên cứu Lý luận Chính trị, Tạp chí Cộng sản; Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Ủy ban Di sản thế giới; Hội đồng nhà Trần Việt Nam; Viện thiết kế thời trang Việt Nam (FADIN) tại TPHCM; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện khảo cổ học, Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Song Tùng nhấn mạnh vai trò của các vua Trần trong việc định hình Thiền phái Trúc Lâm, thể hiện bản sắc Phật giáo Việt Nam. Hành cung Vũ Lâm không chỉ là minh chứng cho chiến lược quân sự của nhà Trần mà còn phản ánh sự kết hợp giữa chính trị, quân sự, văn hóa và tôn giáo. Hội thảo tập trung làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, thu thập tư liệu về thời Trần và Hành cung Vũ Lâm, đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn gắn với du lịch xanh và phát triển công nghiệp văn hóa bền vững.
PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh phát biểu đề dẫn, nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo là công bố và thảo luận chuyên sâu về kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học nhằm làm rõ lịch sử Hành cung Vũ Lâm, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hội thảo gồm hai phiên thảo luận: Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Quá trình hình thành, diện mạo và vai trò trong lịch sử Việt Nam; Hành cung Vũ Lâm thời Trần – Bảo tồn và phát huy giá trị theo định hướng phát triển bền vững.
HT. Thích Thanh Đạt nhấn mạnh cần khôi phục thánh tích Hành cung Vũ Lâm – vùng đất địa linh, gắn với nhiều triều đại trong lịch sử. Đây là căn cứ vững chắc trong kháng chiến chống Nguyên – Mông và nơi các vua Trần tu hành, trù liệu việc nước. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông đã tu tập tại đây trước khi xuất gia, góp phần định hình Phật giáo Trúc Lâm. Ông đề xuất Bộ VHTT&DL, tỉnh Ninh Bình và doanh nghiệp phối hợp phục dựng di tích nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa.
Trong tổng số 60 bài tham luận nhận được, BTC đã chọn ra 20 bài tham luận tiêu biểu để báo cáo trực tiếp tại Hội thảo. Các bài tham luận đã làm sáng tỏ quá trình hình thành, diện mạo và vai trò của Hành cung Vũ Lâm trong lịch sử, đặc biệt qua các nghiên cứu về địa thế, dấu tích, tư liệu khảo cổ và lịch sử. Kết quả cho thấy, Hành cung Vũ Lâm là căn cứ kháng chiến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1285), nơi nhà Trần củng cố lực lượng, hoạch định chiến lược và góp phần tạo nên những chiến thắng vang dội. Đồng thời, di tích này phản ánh tầm nhìn sâu rộng của triều Trần trong việc kết hợp chính trị, quân sự, văn hóa và tôn giáo.
Bên cạnh việc đề xuất các hình thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhằm phục vụ phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh vùng đất Ninh Bình đến du khách trong nước và quốc tế, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn các giá trị của Hành cung Vũ Lâm với nghiên cứu khoa học, thám sát khảo cổ học, số hóa tư liệu, hiện vật… và triển khai các giải pháp bảo tồn thích ứng, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của các di tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; thảo luận các mô hình quản lý, khai thác di sản hiệu quả, xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt, đặc sắc gắn với Hành cung Vũ Lâm và Quần thể danh thắng Tràng An; Phát triển các hoạt động văn hóa, phục dựng lễ hội, phỏng dựng/tái hiện không gian sinh hoạt thời Trần, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm tại Hành cung Vũ Lâm, cũng như dấu ấn của trung tâm Phật giáo thời Trần ở Ninh Bình.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Đoàn Đại biểu và các học giả đã có buổi khảo sát các di tích thời Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo: